Vải Tencel là gì? Tìm hiểu về vải Tencel

Đối với nhiều người, vải Tencel còn khá là xa lạ. Nhưng trong ngành công nghiệp dệt may thì vải Tencel rất được ưa chuộng để sản xuất các sản phẩm cao cấp. Vải Tencel được yêu thích bởi sự thân thiện với môi trường, an toàn với hệ sinh thái. Vậy vải Tencel là gì? Đặc điểm nổi bật của vải Tencel như thế nào? hãy cùng SENNHAT tìm hiểu qua bài viết bên dưới.

1. Vải Tencel là gì? 

Vải Tencel hay còn được gọi là Lyocell, là loại vải được làm từ Cellulose có trong bột gỗ của cây bạch đàn, cây khuynh diệp. Vải Tencel được đánh giá là loại vải sinh học có độ thân thiện và an toàn nhất trên thị trường ngày nay.  

2. Nguồn gốc của vải Tencel

Ngành công nghệ sản xuất vải Tencel được phát triển ban đầu vào năm 1972 tại miền Bắc Carolina, Mỹ. Tuy nhiên vào thời điểm đó thì ngành sản xuất vải Tencel vẫn chưa được chú ý nhiều. 

Đến đầu những năm 1980, vải sợi Tencel được nghiên cứu, phát triển và sản xuất bởi công ty Courtaulds Fibers tại Vương Quốc Anh. Đến năm 1990, vải Tencel đã được sử dụng phổ biến tại các nhà mở ở Alabama, Mobile, nhà máy Grimsby. Vào năm 2004, vải Tencel đã trở thành sản phẩm có tiếng của tập đoàn Lenzing AG. Và đến năm 2013, vải sợi Tencel của tập đoàn này đã nổi tiếng trên khắp thế giới.

3. Quy trình sản xuất vải Tencel

Quy trình sản xuất vải Tencel sẽ gồm các việc như thu hoạch vỏ gỗ của những loại cây như cây bạch đàn, cây khuynh diệp, sau đó đem đi sơ chế sạch sẽ để nghiền thành bột. Bột gỗ tu được tiếp đó sẽ được kéo sợi bằng công nghệ nano. Nhờ các yếu tố thân thiện môi trường từ nguyên liệu đến quá trình sản xuất nên vải Tencel vô cùng an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Các bước để sản xuất vải Tencel bao gồm:

Bước 1: Vỏ gỗ sau khi được sơ chế làm sạch bụi bẩn và nghiền thành bột sẽ được hòa tan trong dung môi để tạo ra hỗn hợp lỏng.

Bước 2: Hỗn hợp dạng lỏng thu được ở bước 1 sẽ được đưa qua các lỗ nhỏ để tạo thành sợi xơ, tiếp tục đó sẽ được đưa qua khí khô để làm ráo.

Bước 3: Sợi xơ sau khi được làm ráo sẽ được đưa vào khu vực chuyên dụng và được ngâm trong một chất lỏng đặc biệt để loại bỏ hoàn toàn các amin oxit ra khỏi sợi vải.

Bước 4: Sợi vải sau khi được làm sạch và sấy khô lần nữa sẽ sẵn sàng tiến vào bước cuối cùng đó chính là dệt thành vải tấm.

4. Vải Tencel thân thiện với môi trường như thế nào?

a. Nguyên liệu tự nhiên

Nguyên liệu chính để sản xuất ra vải Tencel chính là bột gỗ từ các cây như bạch đàn, khuynh diệp. Gỗ sẽ được thu hoạch từ những cánh rừng nuôi trồng và bảo tồn đặc biệt. Sợi vải từ những nguyên liệu thô sẽ được áp dụng công nghệ hiện đại để chế tạo. Đến khi cuối vòng đời thì vải Tencel có thể phân hủy tự nhiên, không gây ảnh hưởng đến môi trường.

b. Quy trình sản xuất khép kín

Trong quá trình sản xuất sợi vải đều phải sử dụng đến chất hóa học. Tuy nhiên những loại chất độc hại này trong quá trình sản xuất vải Tencel đã được thay thế bằng một hợp chất hữu cơ có tên NMMO. Hợp chất này có thể thu hồi được với tỉ lệ lên đến 99% và tái sử dụng nhiều lần sẽ đảm bảo gần như không thải bất kỳ chất độc hại nào ra môi trường.

c. Dễ phân hủy

Với thí nghiệm của Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California, ngâm các mẫu vải trong nước biển hơn 200 ngày để nghiên cứu và so sánh mức độ phân hủy của từng loại vải. Với những loại vải có chất liệu polyester, nylon thì không hề phân hủy mà lại tan ra thành các hạt vi nhựa. Cùng khoảng thời gian ngâm nhưng vải Tencel đã bắt đầu phân ra chỉ sau 21 ngày, không hề để lại bất kỳ thứ gì ảnh hưởng đến môi trường. Theo đánh giá, vải Tencel sẽ phân hủy hoàn toàn trong thời gian vài tháng.

5. Phân loại vải Tencel

Vải Tencel được chia làm nhiều loại khác nhau, phổ biến nhất là Tencel 40s, 60s, 100s được dùng để sản xuất đồ may mặc. Chữ “s” sau các con số là tiêu chí thể hiện mật độ sợi vải có trên một inch vuông.

Vải Tencel 40s sẽ có mật độ 133x72, có nghĩa là có sự kết hợp của 113 sợi dọc và 72 sợi ngang trong 1 inch vuông. Với vải Tencel 60s sẽ có mật độ T300 - sự kết hợp của 300 sợi dọc và 300 sợi ngang. Tương tự như vải Tencel 40s và vải Tencel 60s, vải Tencel 100s có mật độ vải là T500, nghĩa là có 500 sợi dọc và 500 sợi ngang đan xen vào nhau trong 1 inch vuông

Loại vải Tencel có mật độ đan xen giữa sợi dọc và sợi ngang càng cao thì chất lượng của loại vải đó càng tốt, độ trơn bóng, độ mịn màng cao hơn.

6. Ưu điểm và nhược điểm

a. Ưu điểm của vải Tencel

  • Khả năng thấm hút tốt: Khi sử dụng vải Tencel sẽ không có cảm giác bí bách vì vải đã thấm hút hết mồ hôi của cơ thể.

  • Thoáng mát, dễ chịu: Vải Tencel có độ thoáng khí cao nên không hề gây cảm giác khó chịu cho người dùng. Vì ưu điểm này nên vải Tencel rất thích hợp để sử dụng vào mùa hè.

  • Không gây kích ứng da: Vì có độ thoáng khí và thấm hút mồ hôi tốt nên vi khuẩn sẽ ít tồn tại trong vải. Đồng thời vải Tencel có nguyên liệu từ thiên nhiên nên hoàn toàn không gây kích ứng da, thích hợp với mọi loại da.

  • Mềm mại: Vải Tencel rất mềm mại, không hề gây khó chịu cho người dùng. CHo dù là loại trang phục ôm sát cơ thể thì vẫn sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhàng và thoải mái.

  • Thân thiện với môi trường: Nguyên liệu làm ra vải Tencel là Cellulose có trong bột gỗ của các loại cây như bạch đàn, khuynh diệp vì thế nên không hề ảnh hưởng đến môi trường. Quy trình sản xuất khép kín và tái sử dụng, vải Tencel cũng có khả năng phân hủy hoàn toàn nên không gây ô nhiễm môi trường.

  • Màu sắc đa dạng, ít bị phai màu: Vải Tencel rất dễ nhuộm nên thường có đa dạng các màu sắc khác nhau. Độ bám màu của vải Tencel cũng rất tốt nên không cần lo lắng đến việc sử dụng hay giặt nhiều sẽ bị phai màu.

  • Dễ vệ sinh: Vải Tencel không cần sử dụng đến các chất hóa học hay tẩy rửa để làm sạch. Loại vải này vô cùng dễ vệ sinh và bảo quản. 

  • Độ bền cao, ít co giãn: Vải Tencel có khả năng chịu được sự mài mòn vì độ bền rất cao. Trong quá trình sử dụng lâu dài, vải Tencel sẽ không bị co lại hay bị biến dạng. Loại vải Tencel này có nhăn nhưng độ nhăn không hề nhiều như các loại vải khác.

b. Nhược điểm của vải Tencel

Nhược điểm của vải Tencel chính là giá cả. Vì là loại vải sinh học, có nguồn gốc từ thiên nhiên, quy trình sản xuất cũng tốn kém nên giá thành không hề rẻ. Tuy nhiên với mức giá cao thì đổi lại chất lượng của vải Tencel vô cùng tốt.

7. Cách bảo quản vải Tencel

  • Nên thường xuyên vệ sinh vải Tencel. Đối với những bộ chăn ga bằng vải Tencel thì nên vệ sinh sau khoảng 2-3 tuần sử dụng, cồn vỏ gối thì nên giặt 1 lần/tuần.

  • Chỉ nên giặt vải Tencel với nước có nhiệt độ dưới 30 độ C để cấu trúc của vải không bị phá vỡ, vải sẽ không bị mủn hoặc bị nhăn do nhiệt độ cao.

  • Tránh sử dụng các chất tẩy rửa mạnh, chỉ nên sử dụng những chất tẩy rửa có độ kiềm trung tính để giữ độ bền của sợi vải Tencel, tránh loang lổ màu sắc sau khi giặt gây mất thẩm mỹ.

  • Đối với lần giặt đầu tiên trước khi sử dụng chỉ cần dùng nước lạnh để giặt, không cần đến bột giặt và không ngâm vải Tencel quá lâu trong nước.

  • Để làm sạch những vết bẩn bám trên vải Tencel thì chỉ nên dùng tay vò nhẹ, không nên vò quá mạnh và không dùng bàn chải để chà trực tiếp lên bề mặt của vải.

  • Phơi vải Tencel cần tránh phơi ở những nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, vì nhiệt độ cao có thể làm sợi vải bị co lại và mủn. Nên chọn những nơi có râm mát và có nhiều gió để phơi. Đối với những ngày mưa thì chỉ nên hong khô bằng quạt mát, tránh sử dụng máy sấy có nhiệt độ cao làm ảnh hưởng đến chất lượng của vải Tencel.

  • Bảo quản vải Tencel ở những chỗ thoáng mát, khô ráo để ngăn chặn nấm mốc xâm nhập và sinh sôi nảy nở.

8. Ứng dụng của vải Tencel

a. Ứng dụng trong may mặc

Với những ưu điểm như thấm hút tốt, độ thoáng khí cao, thân thiện với môi trường,... nên vỉa Tencel rất được ưa chuộng trong sản xuất sản phẩm may đặc, đặc biệt là các sản phẩm vào mùa hè và đồ ngủ. Vải tencel được dùng để may các loại trang phục thể thao hoặc là may những set đồ để đem lại cảm giác thoải mái cho người dùng.

Không chỉ có trang phục thể thao, vải Tencel cũng được sử dụng để may các loại quần áo như váy, quần áo mùa hè, sơ mi, đồ lót,... Vải Tencel được sử dụng để sản xuất những sản phẩm như trên vì có chất liệu mềm mại, thoáng khí và có thể ngăn được mùi hôi.

b. Ứng dụng trong sản xuất chăn ga gối đệm

Nhờ ưu điểm thoáng khí, thấm hút mồ hôi tốt mà vải tencel rất được ưa chuộng để làm ga giường, vỏ bọc chăn gối. Vải Tencel có độ mềm mịn nên có thể giúp căn phòng trở nên hiện đại và sang trọng hơn.

Không chỉ vậy, vải Tencel còn được dùng để sản xuất đệm, đặc biệt là đệm lò xo vì có độ thoáng khí nên sẽ không gây nóng lưng của người dùng cũng như là sẽ ít bị nấm mốc.

c. Ứng dụng trong y tế và môi trường công nghiệp

Vải Tencel rất thích hợp để sản xuất băng y tế vì có độ thấm hút cao. Trong những trường hợp khẩn cấp thì loại vải có độ bền cao cũng rất quan trọng.

Trong môi trường công nghiệp thì Tencel được sử dụng trong bộ phận dây belt của băng tải nhờ có khả năng chống mài mòn và độ bền cao.

Kết

Những thông tin trên đã cho bạn thấy được những đặc điểm tuyệt vời của vải Tencel. Trong xu hướng bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất của toàn thế giới, vải Tencel - một loại vải sinh học có nguồn gốc thiên nhiên là lựa chọn sáng suốt cho bạn.

Viết bình luận